Làm thế nào để giỏi dự toán (Phần 1)
Chuỗi bài viết dành cho các bạn mới bắt đầu làm dự toán
Trước hết xin giải thích tự “giỏi” ở đây có nghĩa là bạn đã đủ tự tin làm các sản phẩm tính toán chi phí trong xây dựng, trong dự án, đồng thời các đồng nghiệp và “sếp” của bạn cũng yên tâm đến 95% về sản phẩm bạn làm ra. Mình còn muốn giỏi ở đây có một khía cạnh liên quan đến sự nhạy bén trong cách tính toán, giống như một bài toán hồi bạn học cấp I, cấp II, luôn có vài cách giải và cách nào hay hơn sẽ được thầy cô, bè bạn tán thưởng.
Mình muốn nói như vậy trước hết, vì có thể có người đọc và nghĩ bụng rằng “ông này đã giỏi chưa mà đòi dạy người khác”. Vậy thì mình không có ý cho rằng mình giỏi nhé, vì như nhiều người đã nói Dự toán cũng có nhiều kiến thức vô kể, ví như trong thông tư 04/2010 đọc 2 năm, suy ngẫm nhiều mà đến tận mấy tháng trước mình vẫn còn phát hiện ra mấy điều thú vị như là “Dự toán bổ sung thì có được tính lán trại hay không?” hay như “Tại sao dự phòng phí cần phải tính toán thật linh hoạt, phải bỏ chi phí lãi vay ra?”. Tức là bể kiến thức về xây dựng, về dự toán, về định mức, về đơn giá vv… vẫn còn nhiều điều cần phải tìm tòi học hỏi thêm, có nghĩa ta vẫn còn chưa giỏi. Nhưng như mình đã giải thích ở trên, bạn thấy tự tin và người khác yên tâm với sự tự tin của bạn thì có nghĩa bạn đã “giỏi”. Vậy chùm bài viết này sẽ đưa các bạn đến những cái đích đó. Mình tự tin viết ra bài viết này vì mình đã tham gia đứng lớp khoảng gần 30 khóa học Dự toán của công ty GXD trong vòng 2 năm qua, đã hiểu được nhiều tâm tư nguyện vọng của các bạn lần đầu tiếp xúc dự toán hoặc của những bạn có “hoài bão” về việc sẽ giỏi dự toán.
Nào, hơi dài dòng văn tự giải thích quá, chúng ta cũng bắt đầu nhé!
1, Muốn giỏi dự toán hãy đơn giản hóa cách nghĩ về dự toán!
Đơn giản hóa ở đây là phải hiểu được “dự toán là gì” theo một cách vừa sơ khai vừa thực tế. Có một số bạn mới ra trường hoặc mới tiếp xúc với cách lập dự toán lần đầu hay nghĩ rằng “Dự toán là cái gì đó hơi khó”, hơi phức tạp. Không hẳn như vậy, hiểu nó phức tạp thì tự mình thấy nó sẽ phức tạp và xa vời.
Mình là người từng làm Moderator của Diễn đàn giaxaydung.vn, mình nhiệt tình chia sẽ một số mẫu file dự toán lên diễn đàn và cũng nhiều người hưởng ứng, thấy có ích, Mục đích chia sẻ của mình hoàn toàn theo đúng ý nghĩa của dự toán mẫu, tức nó sẽ giúp mọi người định hình các đầu công việc cho mỗi loại dự toán, để lập một bảng tính toán mà ko sợ thiếu các danh mục công tác theo biện pháp thi công. Tuy nhiên rất nhiều người lại mong có dự toán mẫu để học hỏi với suy nghĩ “người ta làm thế nào, mình sẽ làm y hệ như thế”, rồi họ email cho mình xin thêm bản vẽ để tiện học cách bóc tách luôn. Mình đã nhiệt tình gửi mail file Cad cho một số bạn, gọi là “nhiệt tình” bởi file Cad luôn luôn khá nặng, gửi phải mất thời gian đính kèm. Nhưng kết quả của sự nhiệt tình đó có vẻ không như mong đợi, rất nhiều bạn sau khi mình hỏi lại đều nói rằng: em sợ dự toán, thấy nó phức tạp quá, nhất là việc bóc tách. Ôi, vậy là mình đã làm hại họ rồi, gọi là làm hại vì đã tạo cho họ một suy nghĩ rằng “Dự toán khó lắm” ngay từ khi chập chững vào nghề.
Vậy làm thế nào để đơn giản hóa dự toán?
Các bạn đã bao giờ thấy bố mẹ, chú bác nhà mình tính toán làm nhà chưa?
Ví dụ định làm một cái nhà 3 tầng, hết mấy tấn thép, mấy tấn xi (măng), mấy tấn gạch, mấy m2 trát, mấy m2 lát, ốp vv…rồi nhẩm tính 1 tấn thép giá bao nhiêu, 1m3 xây bao nhiêu gạch, cát, xi nhân với bao nhiêu tiền…thế là ra sơ bộ giá trị 1 cái nhà. Vậy là làm dự toán đúng không ạ? Thực ra không gọi là dự toán mà hay gọi là khái toán vì nó toàn khái tính dựa trên kinh nghiệm hoặc tham khảo công trình tương tự.
Dự toán cũng cơ bản dựa trên nguyên tắc đó:
Công thức: Khối lượng * Đơn giá = Thành tiền
Khối lượng thì bóc từ bản vẽ thiết kế
Đơn giá xác định từ định mức và giá thị trường
Vậy dự toán kể ra cũng đơn giản đúng không các bạn!
Khối lượng thì bóc tách bằng cách hình dung và phải đọc được bản vẽ, làm được các phép tính. Còn Đơn giá? Cũng đơn giản thôi, ví dụ: 1m3 bê tông có 390kg xi măng, 0,8m3 đá; 0,4m3 cát; 200 lít nước. Cứ đem giá khảo sát được nhân với định mức đó thì ra đơn giá thôi! Bản thân cha mẹ, chú bác ở nhà cũng áp dụng cách tính đó cơ mà? Vậy dự toán đơn giản thôi!
Như mình đã nói ở trên. Nguyên tắc xác định dự toán:
Khối lượng * Đơn giá
Tuy nhiên xin nhắc lại các bạn nhớ rằng đây chỉ là một trong 3 Phương pháp lập dự toán, Thông tư 04/2010/BXD còn hướng dẫn 2 phương pháp lập dự toán khác mà trong thực tế chúng ta ít dùng nhưng lại dùng để “tính nhẩm” hoặc “khái toán” rất nhiều:
– Phương pháp 1: Lập theo suất xây dựng hoặc suất thiết bị công trình. Suất xây dựng này thường do Bộ xây dựng ban hành.
Ví dụ: Một công trình dân dụng cao 21 tầng, có 1 tầng hầm, có tổng m2 sàn xây dựng là 30.000m2 (chưa tầng hầm). Tra suất đầu tư xây dựng công trình năm 2010 (QĐ 295/2011/QĐ-BXD), suất xây dựng là: 7.060 triệu/m2; suất thiết bị là: 850 triệu/m2
Gxd = 30.000*7060*1,1*1,20 = 279,576 tỷ (1,1 là hệ số điều chỉnh khi có 1 tầng hầm; hệ số 1,2 coi như cuối năm 2010 đến thời điểm này trượt giá 20%).
Tương tự Gtb = 30.000*850*1,1*1,2= 33,6 tỷ
– Phương pháp 2: Lập theo công trình tương tự
Phương pháp này có thể ghi theo công thức sau:
G = G tương tự * Ht * Hkv +(-) Cct
Trong đó
+ G là dự toán xây dựng công trình tương tự
+ Ht là hệ số quy đổi về thời gian (giữa thời điểm lập dự toán công trình tương tự và thời điểm lập dự toán công trình hiện tại)
+ Hkv hệ số quy đổi về khu vực (giữa nơi có công trình tương tự và nơi lập dự toán công trình hiện tại)
+ Cct là những khoản chi phí chưa tính hoặc đã tính trong chi phí đầu tư xây dựng công trình, hạng mục công trình tương tự
Có thể thấy phương pháp này rất ít được thực hiện. Chỉ là cách người ta đưa ra so sánh và khái toán tạm thời mà thôi.
Vậy quay lại vấn đề lập dự toán, chúng ta thường sử dụng phương pháp Đơn giá * Khối lượng như đã nhắc ở trên.
Bây giờ ta sẽ bàn tiếp vấn đề: Đơn giá và Khối lượng xác định như thế nào?
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét